Home
Shop

Kinh nghiệm trúng tuyển thực tập sinh giữa bão sa thải công nghệ

Mục lục

Có sự chuẩn bị từ sớm và chủ động gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, Phương Thuý được nhận thực tập ở 6 công ty lớn giữa bão sa thải trong ngành công nghệ ở Mỹ.

Thúy sinh năm 2003, là cựu học sinh lớp chuyên Tin, trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM. Nữ sinh giành học bổng 6,8 tỷ đồng đến Đại học Cornell, Mỹ, theo học ngành Khoa học máy tính hồi tháng 5/2021.

Đầu năm nay, Thuý trúng tuyển thực tập Kỹ sư phần mềm từ 6 công ty Mỹ, gồm: Amazon, Doordash, Salesforce, Paypal, Morgan Stanley, Bank of America. Nữ sinh cho biết, em sẽ chọn thực tập ở Amazon với mức lương khoảng 13.000 USD (307 triệu đồng) một tháng, trong ba tháng.

Dưới đây là chia sẻ của Phương Thúy kinh nghiệm ứng tuyển vị trí thực tập sinh công nghệ ở Mỹ.

1. Tích luỹ nền tảng về lập trình từ sớm

Một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng để ứng tuyển vào ngành công nghệ ở Mỹ là lập trình thuật toán, theo Thúy. Nữ sinh cho biết mình đã học lập trình và tham khảo kiến thức thuật toán chuyên sâu từ ngày học cấp 3. Với các chủ đề, thuật toán mới, Thúy thường dành một, hai ngày để nghiền ngẫm cho đến khi hiểu vấn đề, sau đó mới bắt đầu giải các bài tập liên quan.

Thuý đã tham gia nhiều cuộc thi lập trình cấp thành phố và quốc gia. Năm 2019, khi học lớp 11, em giành huy chương vàng thi học sinh giỏi Olympic truyền thống 30/4; giải nhất bảng THPT kỳ thi lập trình ICPC toàn quốc; giải nhì Tin học quốc gia. Năm sau đó, Thuý giành giải nhì ở kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc.

Xác định theo đuổi ngành Khoa học máy tính, khi vào đại học, nữ sinh tiếp tục tích lũy kiến thức về lập trình. Trong hai năm đầu, Thúy đã đạt điểm A+ ở tất cả môn học liên quan như: Lập trình hướng đối tượng, Thuật toán ứng dụng, Toán tích phân và Toán rời rạc.

2. Thử nhiều công việc

Theo Thuý, công nghệ thông tin bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Để tìm ra hướng đi của bản thân, Thuý luôn mạnh dạn thử và trải nghiệm các mảng việc khác nhau như Software Engineer (Kỹ sư phần mềm), AI Application Engineer (Kỹ sư ứng dụng trí tuệ nhân tạo). Ngoài ra, việc này còn giúp cô có thêm kinh nghiệm và học hỏi được các kỹ năng mềm trong công việc.

Hồi tháng 8/2021, Phương Thuý nộp hồ sơ và được nhận vào nhóm làm website tìm kiếm nhà ở, ký túc xá cho bạn sinh viên trường Cornell. Các nhóm dự án này được vận hành như một công ty khởi nghiệp nhỏ, giúp em học thêm nhiều kiến thực thực tiễn về mảng công nghệ lập trình web.

Cuối năm thứ nhất, Thúy xin thực tập vị trí Kỹ sư ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại công ty Vin AI. Tại đây, nữ sinh tập trung học hỏi cách giao tiếp với đồng nghiệp cũng như cách mà họ học một kỹ năng mới. Thuý cho rằng kỹ năng mềm sẽ giúp kỹ sư thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của ngành nghề.

“Những kinh nghiệm thực tiễn đó đã khiến các nhà tuyển dụng chú ý tới ứng viên mới chỉ học năm thứ hai như em”, Thuý nhìn nhận.

3. Chủ động tiếp cận nhà tuyển dụng

Điều này được Thúy rút ra sau khi nhận được thư mời thực tập của Morgan Stanley – công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Thúy kể, hồi tháng 9/2022, em tham dự triển lãm nghề nghiệp “Grace Hopper” dành cho ứng viên nữ trong ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Khi dừng ở gian hàng tư vấn của Morgan Stanley, Thuý đã mạnh dạn giới thiệu bản thân và các dự án cá nhân em đã làm với người quản lý.

Thuý nói, vì ấn tượng nên người quản lý đã sắp cho em một cuộc phỏng vấn sau 30 phút và em đã thành công.

“Dù Morgan Stanley không phải là một công ty thuần công nghệ, nhưng lời mời này là sự động viên lớn với em”, Thúy nói, cho biết sau đó, em luôn chủ động tìm kiếm, tham dự các triển lãm liên quan đến nghề nghiệp để mở rộng mạng lưới.

Mỗi lần nộp hồ sơ ứng tuyển, Thuý đều nhắn tin cảm ơn nhà tuyển dụng hoặc hỏi thêm về nhu cầu của họ, chẳng hạn có cần cô bổ sung thêm thông tin gì cho hồ sơ hay không. Theo Thúy, điều này sẽ gây thiện cảm với doanh nghiệp vì cho thấy ứng viên có thành ý và quan tâm đến họ.

Ngoài ra, Thuý xây dựng hồ sơ trên mạng xã hội tuyển dụng LinkedIn, HandShake và RippleMatch để các nhà tuyển dụng thấy em khi tìm kiếm.

4. Nộp hồ sơ ứng tuyển sớm

Thuý cho biết, mùa tuyển thực tập sinh của các công ty công nghệ thường bắt đầu từ tháng 6 cho các vị trí vào mùa hè của năm kế tiếp. Thuý bắt đầu nộp hồ sơ vào đầu tháng 7 và rải hồ sơ vào gần 100 công ty. Nữ sinh cho rằng khi không biết về thị trường tuyển dụng một cách chính xác, em cần rải hồ sơ càng nhiều càng tốt.

Trong hồ sơ, Thuý tập trung giới thiệu các kỹ năng cứng mà tích lũy được từ các đợt thực tập và dự án cá nhân như ngôn ngữ lập trình C++, Python, Java, JavaScript Framework & Technologies. Để làm nổi bật hồ sơ, nữ sinh tích hợp nhiều từ khóa về kỹ năng chuyên môn, đưa ra các dữ liệu một cách rõ ràng.

Theo nhận định của Thúy, nhà tuyển dụng thường chỉ dành khoảng 30 giây để đọc hồ sơ của một ứng viên. Do đó, Thuý luôn dành một phần tách biệt để liệt kê hết các kỹ năng của mình theo từ khóa.

Việc đưa ra dữ liệu chi tiết, theo Thúy sẽ giúp nhà nhà tuyển dụng dễ dàng hình dung về khả năng của ứng viên. Chẳng hạn, thay vì viết “tôi đã tối ưu được thanh tìm kiếm”, Thuý sẽ viết “tôi đã tối ưu thời gian thanh tìm kiếm được 80%, từ 5 giây xuống còn 0,5 giây mỗi lần nhập liệu”.

Phương Thuý (áo đỏ) cùng các bạn tham dự tiệc Grace Hopper Party tại Universal Orlando, Florida, hồi tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương Thuý (áo đỏ) cùng các bạn tham dự tiệc Grace Hopper Party tại Universal Orlando, Florida, hồi tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

5. Diễn đạt dễ hiểu và luôn lạc quan

Ứng viên cho vị trí thực tập sinh công nghệ ở Mỹ thường trải qua ba vòng phỏng vấn. Ở vòng 1 là phỏng vấn hành vi, nhà tuyển dụng thường đặt các câu hỏi về kỹ năng phần mềm và mối quan tâm của ứng viên với công ty.

Ở hai vòng sau, ứng viên gặp giám đốc hoặc trưởng phòng kỹ thuật sản phẩm. Hai vòng này, những câu hỏi chủ yếu tập trung vào kỹ năng lập trình thuật toán.

Thuý chuẩn bị sớm cho các cuộc phỏng vấn bằng cách tham khảo trang tổng hợp câu hỏi tuyển dụng lập trình LeetCode. Em đã luyện tập qua 100 câu hỏi thông dụng ở trang này và đọc cuốn sách “Cracking The Coding Interview (Bẻ khóa cuộc phỏng vấn mã hóa) để rèn khả năng tư duy.

Tuy nhiên, theo Thúy, nắm vững các nội dung phỏng vấn chuyên môn là chưa đủ mà phải truyền tải những suy nghĩ của mình một cách dễ hiểu, trôi chảy.

Thuý kể, nhà tuyển dụng của Paypal đã hỏi em: “Làm sao bạn giải thích phép toán XOR cho một học sinh tiểu học?”. “Đứng hình” vài giây, Thuý xin nhà tuyển dụng cho em vài phút để suy nghĩ. Cuối cùng, em dùng bảng, vẽ một vài hình ảnh minh họa sau đó giải thích. Thúy cho rằng mình được đánh giá cao với cách làm này.

Ngoài ra, Thuý luôn mỉm cười, giữ tinh thần lạc quan trong hầu hết buổi phỏng vấn, kể cả khi gặp câu hỏi rất khó. Thuý tin, người phỏng vấn có thể cảm nhận được năng lượng ấy và cũng chính tâm lý tốt giúp em tư duy tốt hơn.

“Sự chuẩn bị từ sớm một cách chiến lược, chủ động và nắm bắt cơ hội trong mọi hoàn cảnh là yếu tố quyết định, giúp em nhận 6 lời mời thực tập giữa bão sa thải ngành công nghệ ở Mỹ”, Thuý nói.

Theo VNExpress

Bình chọn
Product has been added to your cart
Liên hệ